Ngành dệt may cả nước hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp. Khối các nước thành viên Hiệp định Thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Riêng năm 2012 đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, đây là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam phần lớn là nhập từ Băng-la-đét và Trung Quốc. Hai nước này lại không phải là thành viên của hiệp định TPP. Hơn thế, do phải nhập nguyên liệu nên cạnh tranh về giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam còn thấp. Ông Phạm Văn Bưởi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty dệt kim Đoàn Tất Thành chia sẻ: "Hàng xuất đi hiện tại cũng có làm cho một số công ty ví dụ như là Nhật, mua sợi về dệt, nhưng hàng đi Nhật thì nhỏ, mấy năm trước đi Mỹ thì rất lớn. Hàng của mình đến sản phẩm cuối cùng ra thị trường luôn bị mắc hơn hàng Trung Quốc. Cho nên hiện tại hầu như là tất cả nhập hàng về đây, rồi may xong lại xuất đi".
Xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết Hiệp định, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10 tỷ USD. Đây chưa phải là yếu tố hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì vấn đề tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu. Nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tiến sĩ Lương Văn Lý - Chuyên viên Công ty Luật Việt Long Thăng cho rằng: "Đã từ rất nhiều năm nay chúng ta nói đến sự cần thiết của một ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả, có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là lĩnh vực dệt may, bởi vì hiện nay hầu hết các phụ kiện để sản xuất quần áo chúng ta phải nhập, nếu mà thực hiện theo nguyên tắc hiện nay thế giới đang chấp nhận chung, điểm xuất phát là từ sợi thì rõ ràng chúng ta không có đủ cơ sở để khẳng định những mặt hàng mà chính chúng ta sản xuất mang nguồn gốc Việt Nam, bởi thậm chí vải chúng ta còn nhập".
Cũng theo Tiến sĩ Lương Văn Lý, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là Việt Nam phải khẩn trương xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, để hỗ trợ cho ngành may mặc cũng như các ngành khác. Ngoài ra, chúng ta có thể có những giải pháp tạm thời, như thương lượng với các nước TPP để có thêm thời gian cho ngành công nghệp phụ trợ Việt Nam phát triển.
Mới đây, Hoa Kỳ và tất cả các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã đồng ý “nguyên tắc cộng gộp xuất xứ nội vùng”. Nguyên tắc này cho phép các nước tính gộp cả những nguyên liệu đến từ những nước TPP khác vào hàng hóa cuối cùng và vẫn được coi là sản phẩm nội vùng, bao gồm cả trường hợp hàng hóa đến từ một nước TPP được gia công thêm hoặc bổ sung thêm giá trị gia tăng ở một nước thứ hai; và sẽ được áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa trong TPP. Nếu vậy, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thêm thời gian xây dựng ngành phụ trợ cho mình.
Tuy nhiên, để có được năng lực cạnh tranh và ổn định trên thương trường rộng mở như thế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa chiến lược nghiên cứu thị trường và công tác thiết kế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - Ông Phạm Ngọc Hưng phân tích: "Doanh nghiệp chúng ta thường bấy lâu nay làm gia công là chính, do đó, hai bộ phận chúng ta thiếu là nghiên cứu về nhu cầu thị trường, chẳng hạn nhu cầu thị trường Mỹ 3 tháng nữa chúng ta cần gì, là chúng ta cũng đang yếu; thứ hai là khâu thiết kế, chúng ta làm gia công nên chúng ta không quan tâm nhiều đến khâu thiết kế, mà không quan tâm đến khâu thiết kế thì chúng ta sẽ khó có những sản phẩm để đi cạnh tranh, cho nên chúng ta thấy hai khâu này là khâu quan trọng ngoài việc có xuất xứ hàng hóa về các loại vải cũng là vấn đề quan trọng".
Năm 2012, ngành dệt may đã đóng góp trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với hơn 17 tỷ USD. Năm 2013, ngành dệt may dự kiến xuất siêu từ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khoảng 10 tỷ USD. Theo các chuyên gia, khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương được ký kết, nguyên tắc xuất xứ thông thoáng hơn thì quy mô sản xuất và xuất khẩu sẽ ngày càng mở rộng. Dự kiến năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 30 tỷ USD, lúc đó giá trị doanh thu để lại tại thị trường Việt Nam sẽ khoảng 17 tỷ USD, một tín hiệu đáng mừng cho ngành Dệt may nước ta./.